Chia sẻ kinh nghiệm 21 ngày cách ly tập trung cùng Thế Giới Mã Vạch

Trong tình hình dịch bệnh SARS-COV-2 diễn biến phức tạp hiện nay thì việc bạn có thể không may trở thành đối tượng cần thực hiện quy định cách ly tập trung là hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy khi thực hiện cách ly tập trung 21 ngày bạn cần biết điều gì và chuẩn bị ra sao để tránh trường hợp bị động, thiếu thốn? Qua cuộc hành trình vượt qua thách thức 21 ngày của đội ngũ nhân viên Thế Giới Mã Vạch, chúng tôi xin được chia sẻ cùng bạn về những trải nghiệm thực thế mà chúng tôi đã trải qua.

1. Chuẩn bị cho cách ly tập trung

Nếu chẳng may bạn trở thành đối tượng tiếp xúc gần với F0 thì bạn đã trở thành diện F1 cần tuân thủ đúng quy định cách ly tập trung tại cơ sở y tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thành viên trong gia đình hay bạn bè đang sinh sống cùng bạn tại nơi bạn đang cư trú sẽ được đưa vào diện F2 cần tuân thủ quy định cách ly tập trung tại nhà. Như vậy, bạn nên chuẩn bị cho trường hợp không một ai có thể “tiếp tế” cho bạn khi bạn cách ly tập trung. Vậy nên, việc chuẩn bị đầy đủ hành trang là vô cùng cần thiết.

Cách ly tập trung
Cách ly tập trung

Với kinh nghiệm đã trải qua, chúng tôi xin chia sẻ cùng bạn:

– Đầu tiên và cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng đó là bạn phải thật sự bình tĩnh khi biết rằng mình cần thực hiện quy định cách ly tập trung tại cơ sở y tế trong vòng 21 ngày. Hầu hết ai trong tất cả chúng ta đều không thể tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo lắng. Nhưng hãy nhanh chóng bình tâm, ổn định tinh thần lại và chuẩn bị hành trang cho mình thật đầy đủ. Bởi sự bối rối sẽ khiến bạn trở nên “quýnh quáng” và thiếu sót khi chuẩn bị.

– Về hành trang cá nhân, bạn cần có:

  • Một vài bộ quần áo với chất liệu nhẹ nhàng, mát mẻ, dễ giặt, mau khô. Đừng quên mang theo một chiếc áo khoác để giữ ấm bản thân trong trường hợp những ngày trở lạnh. Hạn chế mang quá nhiều quần áo khiến hành trang của bạn trở nên cồng kềnh, khó di chuyển.
  • Bên cạnh quần áo bạn cần mang theo sẵn móc phơi đồ, đây thường là vật dụng không có sẵn và nếu có thì bạn cũng không nên sử dụng chung.
  • Kế đến là những đồ dùng cá nhân cần thiết. Hầu hết tất cả các khu cách ly tập trung đều cung cấp cho bạn những nhu yếu phẩm như: bàn chải, kem đánh răng, nước uống, xà bông, mền, gối. Còn về những vật dụng khác liên quan như thau giặt đồ, khẩu trang y tế, cồn, dung dịch sát khuẩn, ly uống nước… thì bạn cần phải tự chuẩn bị riêng cho mình vì không phải khu cách ly tập trung nào cũng có thể hỗ trợ cho bạn.
  • Có một điểm mà bạn cần lưu ý đó là tại một số các khu cách ly tập trung sẽ nằm tại những vùng xung quanh nhiều cây cối nên sẽ khó tránh khỏi việc côn trùng xâm nhập vào. Thế nên, chuẩn bị bình xịt côn trùng, kem chống côn trùng, thuốc bôi là vô cùng cần thiết.
  • Ngoài ra, bạn đừng quên mang những thực phẩm khô như mì tôm, một số loại bánh đã được đóng gói sẵn,…
  • Các vật dụng khác như điện thoại, máy tính xách tay (laptop) cùng đồ sạc là cần thiết để bạn có thể giải trí cũng như tiếp tục công việc của mình trong những ngày cách ly tập trung.
  • Thêm vào đó bạn có thể chuẩn bị thêm: ấm đun siêu tốc, bình giữ nhiệt, vitamin C tăng cường sức đề kháng, nước súc miệng kháng khuẩn hoặc một vài cuốn sách,…

2. Kinh nghiệm cách ly 21 ngày 

Tại thời điểm khi đội ngũ tham gia cách ly tập trung thì sau lần lấy mẫu xét nghiệm nhanh đầu tiên, nếu bạn có kết quả âm tính sẽ được sắp xếp phòng lưu trú tại trung tâm cách ly thuộc cơ sở y tế thuộc quận, huyện. Thông thường, mỗi phòng lưu trú sẽ có từ 2 – 4 người. (Hiện nay tại một số quận, huyện, sau khi có kết quả xét nghiệm lần đầu âm tính bạn sẽ được chuyển xuống khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM).

Hãy luôn giữ sự bình tĩnh và tinh thần lạc quan cho bản thân cũng như động viên tinh thần những người xung quanh để cùng nhau vượt qua thử thách. Vì thời gian cách ly chỉ là tạm thời, việc cách ly là cần thiết cho sức khỏe của bạn, người thân, cộng đồng.

Tuy nhiên, đừng vì quá lạc quan mà trở nên chủ quan. Vì một khi đã vào khu cách ly thì cả bạn và những người xung quanh đều thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm. Vậy nên, hãy luôn trong tâm thế xem người đối diện của mình là F0, hạn chế tiếp xúc và tuân thủ chặt chẽ quy định của khu cách ly để bảo vệ tốt cho bản thân của mình. Thường xuyên sát khuẩn sau khi tiếp xúc với những khu vực chung. Thay mới khẩu trang y tế thường xuyên, đeo khẩu trang 24/24 trừ những lúc ăn uống, giữ gìn vệ sinh khu vực mình lưu trú lẫn khu vực chung. Tuyệt đối không tụ tập đông đúc vì sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo quy định của khu cách ly tập trung mà đội ngũ Thế Giới Mã Vạch lưu trú thì bạn sẽ không được ra khỏi phòng cách ly của mình. Nhưng đừng vì thế mà bỏ mặc sức khỏe bản thân. Bạn có thể tập những bài tập thể dục tại chỗ để thư giãn gân cốt. Hạn chế việc chỉ nằm rồi ngồi trên giường mà không làm gì cả. Vì như vậy chẳng những khiến cơ thể mệt mỏi mà còn làm tinh thần nhanh chóng chán nản. Hãy tìm kiếm một bộ phim, một trò chơi mà bạn cảm thấy yêu thích để giải trí. Hoặc như với chúng tôi thì chúng tôi đã chọn cho mình việc thực hiện sở thích như tô tranh, làm tranh đính đá, tham gia khóa học online để phát triển bản thân và hiển nhiên không quên làm việc để hỗ trợ cho những khách hàng thân thương của mình.

Tại đây, bạn sẽ được phát đồ ăn theo các khung giờ 08h00, 12h00, 17h00 và đo nhiệt độ trong giờ phát cơm sáng, chiều. Vào buổi sáng, bạn nên thức dậy trước khung giờ phát đồ ăn để vệ sinh cá nhân, tập thể dục và chuẩn bị chờ nhân viên y tế đến đo nhiệt, tránh để họ phải chờ đợi quá lâu vì họ rất bận và phải chăm sóc cho rất nhiều người, còn rất nhiều công tác khác tại khu cách ly cần đến họ.

Nếu người thân, người quen có thể gửi đồ đến khu cách ly cho bạn, bạn có thể nhờ họ gửi cho bạn ấm đun siêu tốc cùng sả và gừng. Việc uống nước ấm sả gừng thường xuyên sẽ giúp bạn bảo vệ tốt cho sức khỏe, cổ họng của mình, hạn chế tình trạng ho, đau họng không mong muốn.

Ở một số khu cách ly thời tiết khá oi bức nên một số trường hợp còn cần đến một chiếc quạt máy nhỏ, một ổ điện nối thêm. Tránh việc bạn quá nóng bức rồi đi tắm nhiều lần sẽ khiến bản thân dễ nhiễm nước dẫn đến cảm lạnh hoặc sốt.

Để hạn chế côn trùng xâm nhập vào phòng, bạn cần đóng kỹ các cửa có thông với môi trường bên ngoài (chẳng hạn như cửa sổ) và sớm tắt đèn. Vì hầu hết những loại côn trùng này sẽ bị ánh sáng thu hút và tiến đến những nơi ánh sáng phát ra. Nếu thấy xuất hiện kiến ba khoang, tuyệt đối không tiếp xúc với loại côn trùng nguy hiểm này. Chẳng may chúng bám lên người hãy dùng một vật gì đó dẫn chúng bò lên rồi bỏ sang nơi khác. Bởi nếu chúng cắn hoặc vỡ khiến chất độc trên thân chúng lan ra sẽ khiến bạn bị bỏng, lở rất khó chịu.

Nếu có khả năng, bạn nên chuẩn bị thêm Keo ong xanh và Xịt khuẩn keo ong của Tracybee giúp hỗ trợ rất tốt cho việc kháng khuẩn trong khoang miệng và đường hô hấp. Trong khi đó, vòm họng chính là chốt chặn trọng yếu bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân lây nhiễm. Sử dụng các loại sản phẩm trên giúp sát khuẩn sâu trong khoang họng, làm sạch họng và ngăn chặn các tác nhân xấu xâm nhập qua đường họng.

Bạn sẽ được lấy mẫu tổng cộng từ 4 – 5 lần trong quá trình cách ly tập trung tại cơ sở y tế. Nhiều người vẫn thường bảo rằng lấy mẫu xét nghiệm rất khó chịu, thậm chí còn gặp phải tình trạng chảy máu. Nhưng đây chỉ là lời đồn. Trên kinh nghiệm đã trải qua thì chúng tôi thấy rằng khi lấy mẫu, chỉ cần bạn thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, thả lỏng, không gồng thì mọi chuyện sẽ diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong từ 1 – 2 ngày sau ngày lấy mẫu.

Lấy mẫu xét nghiệm
Lấy mẫu xét nghiệm

Nhìn chung, bạn cần tuân thủ chặt chẽ quy định cách ly, hạn chế tiếp xúc tối đa, giữ tinh thần thật lạc quan và bảo vệ cho sức khỏe bản thật tốt.

Sau khi hoàn tất cách ly tập trung 21 ngày bạn sẽ nhận được Giấy quyết định cách ly, Giấy hoàn tất thời gian cách ly tập trung cùng Giấy cam kết việc bạn sẽ thực hiện cách ly tại nhà thêm 7 ngày nữa. Ngoài ra còn có biên lai xác nhận hoàn thành khoản phí cách ly.

3. Chi phí cách ly thế nào?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra khi vào khu cách ly tập trung và không ngừng hỏi các nhân viên y tế ở đây. Bởi khi tự tìm hiểu và không tìm kiếm được nguồn tin chính xác thì rất dễ bị nhầm lẫn.

Chính xác nhất thì với công dân Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam khi đi cách ly tập trung sẽ chỉ phải chịu khoản phí 80.000đ/ngày (tiền cơm). Mọi chi phí khác như phí phục vụ, phí lưu trú, phí xét nghiệm sẽ được Nhà Nước hỗ trợ.

Cụ thể hơn về các đối tượng và những khoản phí như ảnh sau:

  • Người Việt Nam đi làm việc, lao động, du học, du lịch, khám, chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài về:
Chi phí cách ly tập trung 1
Chi phí cách ly tập trung 1
  • Người Việt Nam được cử đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài
  • Người tham gia phòng, chống dịch phải cách ly tập trung
Chi phí cách ly tập trung 2
Chi phí cách ly tập trung 2
  • Người Việt Nam ở trong nước
Chi phí cách ly tập trung 3
Chi phí cách ly tập trung 3
  • Người nước ngoài
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Chi phí cách ly tập trung 4
Chi phí cách ly tập trung 4
  • Khác
Chi phí cách ly tập trung 5
Chi phí cách ly tập trung 5

Hi vọng với những chia sẻ trên về những gì mà đội ngũ Thế Giới Mã Vạch đã trải qua sẽ giúp ích được cho bạn trong việc có thêm những kinh nghiệm và thông tin chính xác hơn về việc cách ly tập trung.

Cách ly tập trung là một việc không dễ dàng. Nhưng nếu thử thách đến, hãy cố gắng để khoảng thời gian này trở thành một trải nghiệm ý nghĩa trong cuộc đời của bạn.

Chúc sức khỏe, sự bình an đến với tất cả chúng ta. Hãy cùng chung tay, nỗ lực đồng lòng vượt qua những thách thức, đẩy lùi dịch bệnh!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *