Vệ sinh đầu in mã vạch là một công việc vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng in ấn tối ưu và kéo dài tuổi thọ của máy in. Theo thống kê, 80% các lỗi của máy in mã vạch xuất phát từ đầu in bẩn.
Cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết trước khi tiến hành vệ sinh đầu in, bao gồm: khăn mềm, bông gòn và cồn y tế.
Tiếp theo, chúng ta sẽ thực hiện quy trình vệ sinh đầu in mã vạch gồm 7 bước sau đây:
- Bước 1: Tắt nguồn máy in, mở nắp máy và cụm đầu in.
- Bước 2: Tháo giấy, mực in trong máy
- Bước 3: Làm sạch bề mặt đầu in
- Bước 4: Làm sạch trục lăn roller
- Bước 5: Vệ sinh các bộ phận khác
- Bước 6: Lắp lại giấy mực in
- Bước 7: Đóng cụm đầu in, nắp máy, bật nguồn, in kiểm tra.
Về tần suất vệ sinh đầu in mã vạch phù hợp thường là sau khi dùng kết 1 cuộn giấy hoặc 1 cuộn mực in. Khi tiến hành thay giấy hoặc mực cho máy, bạn sẽ đồng thời thực hiện luôn thao tác vệ sinh này.
Trong quá trình vệ sinh đầu in, bạn cũng cần lưu ý một vài yếu tố như không dùng chất tẩy rửa mạnh, nên đeo bao tay, không để các vật cứng va chạm cùng đầu in và chờ cồn khô hoàn toàn mới lắp giấy, mực lại sử dụng. Điều này sẽ hạn chế được đầu in bị xước, kéo dài tuổi thọ cho đầu in máy.
Bên cạnh những nội dung chính trên, Thế Giới Mã Vạch còn tổng hợp một số câu hỏi và câu trả lời tương ứng liên quan đến vệ sinh đầu in máy in mã vạch mà bạn có thể tham khảo.
Tại sao cần vệ sinh đầu in mã vạch?
Đầu in mã vạch là bộ phận quan trọng nhất trong máy in mã vạch, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tạo ra thông tin in trên bề mặt tem nhãn thông qua các điểm đốt nóng tỏa nhiệt. Trong quá trình sử dụng, các yếu tố như bụi bẩn và cặn mực, bụi giấy tích tụ trên đầu in mã vạch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và chất lượng in ấn. Cụ thể:
- Bụi và cặn mực làm tắc nghẽn các điểm in nhiệt (printing dots), khiến mã vạch in ra bị mờ, không đều màu, thậm chí bị đứt đoạn. Điểm đốt bị tắc nghẽn lâu ngày sẽ bị hỏng, không hoạt động được nữa gây nên tình trạng xước đầu in.
- Bụi bẩn còn có thể gây hỏng hóc linh kiện máy in như trục lăn, cảm biến,… làm giảm tuổi thọ thiết bị và tăng chi phí sửa chữa, thay thế. Theo báo cáo của Zebra Technologies, chi phí sửa chữa đầu in chiếm đến 70% tổng chi phí bảo trì máy in mã vạch.
Nếu không vệ sinh đầu in định kỳ, người dùng sẽ phải đối mặt với những rủi ro như:
- Đầu in mã vạch sẽ nhanh bị hỏng, giảm tuổi thọ và hiệu suất hoạt động.
- Giảm năng suất làm việc và hiệu quả kinh doanh. Máy in mã vạch bị lỗi có thể làm gián đoạn dây chuyền sản xuất, đóng gói, giao hàng, gây thiệt hại lớn.
- Mất thời gian do phải in lại nhiều lần vì chất lượng kém. Hơn nữa, điều này dẫn đến lãng phí mực in và giấy in, làm tăng chi phí.
- Ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng khi mã vạch tạo ra không có độ rõ nét, khiến máy quét mã vạch khó nhận diện.
Chuẩn bị trước khi vệ sinh đầu in mã vạch
Để vệ sinh đầu in an toàn và hiệu quả, bạn cần chuẩn bị các vật liệu sau:
- Khăn mềm, sạch, không bụi (microfiber cloths). Được sử dụng để lau các bộ phận bên trong thân máy và lớp vỏ nhựa (kim loại) bên ngoài.
- Bông gòn y tế (cotton swabs). Bông gòn giúp tiếp cận các khu vực nhỏ hẹp như khe rãnh đầu in một cách nhẹ nhàng.
- Cồn (70 – 90 độ). Cồn nồng độ cao giúp làm sạch cặn giấy và bụi bẩn triệt để mà không để lại vết ố.
Hướng dẫn chi tiết vệ sinh đầu in mã vạch
Quy trình vệ sinh đầu in mã vạch tóm gọn trong 7 bước: Bấm nút tắt nguồn máy rồi mở nắp máy và cụm đầu in > Tháo giấy, mực in ra > Làm sạch bề mặt đầu in bằng bông gòn y tế đã tẩm cồn, lau theo 1 chiều duy nhất > Làm sạch trục lăn roller > Vệ sinh các bộ phận khác (cảm biến, vỏ máy,…) > Đợi cồn khô thì đóng cụm đầu in, nắp máy, mở nguồn lại và in kiểm tra.
Cụ thể hơn như sau:
(Ở đây chúng tôi vệ sinh minh họa trên máy in mã vạch để bàn RING 412PEI+)
1. Tắt nguồn máy in, mở nắp máy và cụm đầu in
- Đầu tiên, hãy ngắt nguồn điện của máy in bắt cách tắt nguồn (nút nguồn thường nằm ở phía sau hoặc bên hông thân máy) để đảm bảo an toàn trong quá trình vệ sinh.
- Tiếp theo, mở nắp máy in bằng cách ấn vào hai nút ở hai bên hông và nhấc nắp lên theo chiều thẳng đứng.
- Tương tự, mở cụm đầu in bằng cách nhấn vào hai bẫy ở phía trước và nhấc lên theo chiều thẳng đứng.
2. Tháo giấy, mực in trong máy
Lấy hết giấy in và cuộn mực ra khỏi máy để thuận tiện cho việc vệ sinh. Đặt chúng ở nơi sạch sẽ, tránh bụi bẩn bám vào.
3. Làm sạch bề mặt đầu in
- Tiến hành vệ sinh đầu in bằng cách làm ướt bông y tế với cồn. (Lưu ý: tẩm cồn ướt vừa đủ, không để bông gòn quá khô hoặc quá nhiều cồn)
- Trong khi vệ sinh đầu in bạn cần ghi nhớ nguyên tắc: lau một lần sau đó đổi mặt bông hoặc đổi miếng bông gòn tẩm cồn khác và chỉ lau theo một chiều duy nhất. Nếu bạn thuận chiều từ trái sang phải thì hãy lau theo theo chiều này (hoặc chiều ngược lại).
Lưu ý: Tránh sử dụng lại mặt bông đã lau vì bụi bẩn bám trên bông có thể làm xước đầu in khi ma sát.
4. Làm sạch trục lăn roller
Trục lăn (roller) là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với giấy, nên rất dễ bám bụi, để làm sạch trục cần:
- Sử dụng bông gòn được làm ẩm bằng cồn lau chùi xung quanh trục roller. Có thể lau chùi theo nhiều hướng khác nhau cho đến khi sạch hết cặn bẩn.
- Xoay nhẹ trục lăn để làm sạch mọi vị trí. Lau đi lau lại 2-3 lần cho sạch hoàn toàn.
5. Vệ sinh các bộ phận khác
Tiếp tục làm sạch cảm biến bằng cồn và bông gòn y tế.
Sau đó, dùng khăn mềm lau sạch các bộ phận khác như:
- Hộc chứa giấy.
- Vỏ máy in bên trong và bên ngoài.
Chú ý lau nhẹ nhàng, tránh mạnh tay làm va chạm, xô lệch các bộ phận bên trong máy.
6. Lắp lại giấy mực in
Khi đã lau xong và đảm bảo tất cả các bộ phận đã khô hoàn toàn, hãy lắp giấy và mực mới vào máy.
Với lắp giấy: luồn cuộn giấy vào trục giấy, sau đó lắp vào hộc chứa giấy > kéo giấy ra phía đầu in, luồn qua nẹp giấy > điều chỉnh nẹp giấy khớp với khổ giấy để giấy không bị xô dịch trong quá trình in ấn. (Chi tiết hơn trong tài liệu: Hướng dẫn lắp giấy máy in mã vạch từ A đến Z)
Với lắp mực: lắp lại trục mực, trục thu có chứa cuộn mực, cuộn thu vừa gỡ ở Bước 2 > quấn cuộn thu lại cho mặt mực được căng > Điều chỉnh mực tại vị trí đầu in cho mặt mực thẳng, không bị gấp nếp. (Chi tiết hơn trong tài liệu: Hướng dẫn thay mực máy in mã vạch từ A đến Z)
7. Đóng cụm đầu in, nắp máy, bật nguồn, in kiểm tra
- Đóng cụm đầu in và nắp máy lại như ban đầu.
- Bật nguồn máy in.
- Tiến hành in thử 3 – 4 tem để kiểm tra chất lượng in sau khi vệ sinh. Nếu mã vạch sắc nét, đậm màu, đều đẹ thì bạn đã làm sạch thành công.
Như trên 7 bước để vệ sinh đầu in cùng với các bộ phận khác cho máy in mã vạch. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và kéo dài tuổi thọ cho đầu in, việc vệ sinh cần được thực hiện thường xuyên với tần suất phù hợp. Vậy, tần suất vệ sinh đầu in mã vạch như thế nào là hợp lý?
Tần suất vệ sinh đầu in mã vạch
Tần suất vệ sinh đầu in phụ thuộc vào cường độ sử dụng máy in và môi trường làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến nghị nên vệ sinh đầu in:
- Sau khi in hết 1 cuộn giấy (cuộn decal dài 50m hoặc 100m tùy dòng).
- Hoặc sau khi in hết 1 cuộn mực có độ dài 300m.
Ngoài ra, bạn cũng nên tiến hành vệ sinh khi xuất hiện các dấu hiệu tem in ra có chất lượng kém như:
- Mã vạch bị mờ, không đều màu
- Máy in có hiện tượng kẹt giấy, in chậm, dừng đột ngột.
- Máy in phát ra tiếng ồn bất thường.
Bên cạnh việc vệ sinh đúng tần suất, để đảm bảo hiệu quả vệ sinh và bảo vệ đầu in, người dùng còn cần phải lưu ý một số điều sau đây.
Lưu ý khi vệ sinh đầu in mã vạch
Trong quá trình vệ sinh đầu in, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không sử dụng các chất tẩy rửa mạnh, ăn mòn như acetone, xăng, cồn đỏ… Chúng có thể làm hỏng lớp phủ bảo vệ đầu in.
- Nên đeo găng tay để tránh dầu và mồ hôi từ tay bám lên bề mặt đầu in.
- Tránh dùng vật cứng, sắc nhọn để cạo, nạo cặn mực. Chỉ lau nhẹ nhàng bằng bông gòn tẩm cồn y tế.
- Chờ cho đầu in, trục lăn khô hoàn toàn mới lắp giấy và mực in lại.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn bảo dưỡng vệ sinh đầu in mã vạch đúng cách hơn, phòng tránh trường hợp trầy xước và hư hỏng dẫn đến tốn nhiều chi phí phát sinh.
Sau đây là một số câu hỏi liên quan đến hướng dẫn vệ sinh đầu in được nhiều người dùng dùng quan tâm đến, đó là:
Câu hỏi thường gặp về vệ sinh đầu in mã vạch
1. Có cách nào để ngăn chặn bụi và cặn bẩn tích tụ trên đầu in mã vạch?
- Tránh để máy in mã vạch ở môi trường làm việc có quá nhiều bụi bẩn.
- Sử dụng giấy in chất lượng cao, ít có bụi giấy.
- Sử dụng mực in chất lượng để hạn chế tạp chất.
- Vệ sinh máy in và môi trường làm việc thường xuyên
- Bảo quản giấy và mực in đúng cách, tránh bụi bám vào.
2. Có những biện pháp nào để bảo quản đầu in mã vạch sau khi vệ sinh?
- Đậy nắp máy in khi không sử dụng. Nắp máy sẽ giúp ngăn bụi bẩn, côn trùng xâm nhập. Trường hợp lâu lâu mới in một lần, hãy đóng thùng máy và cất vào nơi khô ráo để bảo quản.
- Tháo giấy và mực in khi ngừng sử dụng trên 1-2 ngày. Giấy và mực để lâu trong máy dễ ẩm mốc, bám bẩn vào đầu in.
- Bảo quản máy in trong môi trường kín, ít bụi bẩn sẽ hạn chế bụi bặm và độ ẩm.
- Tránh để máy in tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ cao dễ làm biến dạng các chi tiết nhựa.
- Không để các vật nặng, cứng, sắc nhọn va chạm cùng máy.
3. Loại dung dịch làm sạch nào phù hợp để vệ sinh đầu in mã vạch?
- Cồn từ 70 – 90 độ được khuyến nghị sử dụng để vệ sinh đầu in. Nó có khả năng làm sạch cao, an toàn và bay hơi nhanh.
- Không nên dùng cồn thông thường, acetone hay các dung môi mạnh khác. Chúng có thể làm hỏng đầu in.
4. Khi nào nên tìm đến dịch vụ bảo trì chuyên nghiệp để vệ sinh đầu in mã vạch?
Nếu bạn không tự tin hoặc gặp các vấn đề nghiêm trọng như:
- Đầu in bị trầy xước, biến dạng. Các vết xước sâu trên bề mặt đầu in có thể làm hỏng vĩnh viễn các điểm in nhiệt.
- Máy in bị hỏng linh kiện, kẹt cơ. Các bộ phận như bánh răng, dây curoa bị mòn, đứt gãy cần được thay thế.
- Mã vạch vẫn in kém chất lượng sau khi đã tự vệ sinh. Có thể do đầu in đã bị hỏng nặng và cần thay mới.
Máy in báo lỗi liên quan đến đầu in như “print head overheat”, “faulty print head”…
Lúc này, tốt nhất bạn nên liên hệ đến nhà cung cấp để được hỗ trợ kịp thời, tránh gây hỏng hóc nghiêm trọng hơn.