Ý NGHĨA THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA MÁY IN MÃ VẠCH BẠN CẦN BIẾT

Máy in mã vạch (máy in tem barcode) là thiết bị in ấn chuyên dùng để tạo ra tem nhãn có đầy đủ các thông tin theo yêu cầu như chữ, số, ký hiệu, mã vạch,… Thiết bị này có nhiều thông số kỹ thuật mà bạn cần lưu ý khi lựa chọn. Việc hiểu rõ các thông số này sẽ giúp bạn chọn được thiết bị phù hợp dễ dàng với mức chi phí hợp lý hơn.
Sau đâu là những thông số kỹ thuật máy in mã vạch quan trọng gồm công nghệ in, độ phân giải, tốc độ in, khổ in, kết nối, bộ nhớ, xử lý phương tiện cùng các thông số mở rộng, nâng cao khác.

Công nghệ in (Printing Technology)

Công nghệ in trên máy in mã vạch là phương pháp sử dụng để tạo ra hình ảnh mã vạch, thông tin trên tem nhãn. Hiện nay, có hai công nghệ in phổ biến được sử dụng trên máy in mã vạch: In nhiệt trực tiếp (Direct Thermal) và in truyền nhiệt gián tiếp (Thermal Transfer).

In trực tiếp (Direct Thermal)

In nhiệt trực tiếp là phương pháp in không sử dụng mực in. Thay vào đó, nó sử dụng loại giấy in đặc biệt có độ nhạy nhiệt (decal cảm nhiệt). Khi tiếp xúc trực tiếp với đầu in có nhiệt độ cao, lớp hóa chất trên bề mặt decal sẽ bị đốt cháy rồi chuyển thành màu đen và tạo ra thông tin, mã vạch theo bản thiết kế trước đó.

  • Ưu điểm: Giá rẻ, dễ sử dụng.
  • Nhược điểm: Độ bền máy không cao. Tem tạo ra có thời gian sử dụng ngắn, chỉ phù hợp cho môi trường khô ráo.

In truyền nhiệt gián tiếp (Thermal Transfer)

In truyền nhiệt gián tiếp là công nghệ sử dụng đầu in nhiệt để làm nóng chảy mực (ribbon). Mực sau khi được nóng chảy sẽ bám lên bề mặt của tem và tạo ra những chữ, số, ký hiệu, mã vạch,… theo bản thiết kế tem mà máy nhận được qua lệnh in từ máy chủ. Máy in mã vạch sử dụng công nghệ in này có thể in được trên nhiều chất liệu decal in tem và mực in khác nhau.

  • Ưu điểm: In ấn đa dạng các loại tem nhãn phù hợp với những yêu cầu sử dụng tem khác nhau. Tem nhãn tạo ra có độ bền cao. Nét chữ trên tem được in ra từ máy có độ sắc nét cao hơn.
  • Nhược điểm: Giá thành máy in mang công nghệ in truyền nhiệt gián tiếp cao hơn dòng máy mang công nghệ in nhiệt trực tiếp.

Mỗi công nghệ in sẽ có các tính năng in ấn khác nhau. Tùy vào mục đích, môi trường ứng dụng mà người dùng có thể chọn ra máy in với công nghệ in phù hợp. 

Thông số kỹ thuật của máy in mã vạch - Công nghệ in
Thông số kỹ thuật của máy in mã vạch – Công nghệ in

Độ phân giải (Resolution)

Độ phân giải là một khái niệm trong in ấn để chỉ mức độ chi tiết mà một máy in có thể in được trên một đơn vị chiều dài nhất định. Đơn giản hơn thì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng in ấn của máy in mã vạch.

Độ phân giải được đo bằng đơn vị dots per inch (dpi), nghĩa là số lượng chấm mực (dots) trên mỗi inch (2,54 cm) vuông.

Số lượng chấm mực trên một inch càng nhiều thì hình ảnh in càng sắc nét và chi tiết cao.

Có 3 mức độ phân giải phổ biến được sử dụng ở máy in mã vạch, đó là:

  • 203 dpi: Phù hợp để in tem nhãn có kích thước lớn, ít chi tiết.
  • 300 dpi: Phù hợp để in tem nhãn cói kích thước trung bình, có nhiều chi tiết hơn.
  • 600 dpi: Phù hợp để in tem nhãn có kích thước nhỏ, yêu cầu độ sắc nét cao.

Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn nữa về độ phân giải và dpi qua chia sẻ sau: “DPI là gì? Đặc điểm độ phân giải của máy in mã vạch”.

Nếu độ phân giải ảnh hưởng đến chất lượng tem nhãn thì thông số về tốc độ in sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất, số lượng tem nhãn in ra.

Tốc độ in (Print Speed)

Tốc độ in là chỉ số thể hiện số lượng mã vạch hoặc tem nhãn mà máy có thể in ra trong một đơn vị thời gian nhất định. 

Đơn vị đo của tốc độ in thường tính là inches per second (ips) hoặc mm/s.

Tốc độ in càng cao, máy sẽ in ra số lượng tem nhãn lớn hơn trong cùng một khoảng thời gian. Nhờ đó mà năng suất công việc được cải thiện đáng kể, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tốc độ in tỷ lệ nghịch với độ phân giải. Độ phân giải càng cao thì tốc độ in sẽ càng thấp. 

Các mức tốc độ in phổ biến của máy in mã vạch, đó là:

  • Máy in mã vạch để bàn: 2 – 8 ips (50.8 – 203.2 cm/giây)
  • Máy in mã vạch công nghiệp: 4 – 14 ips (101.6 – 355.6 mm/giây)
  • Máy in mã vạch di động: 1 – 4,5 ips (25.4 – 114.3 mm/s).

Sau khi tìm hiểu về tốc độ in thì phần tiếp theo đây chúng ta hãy khám phá đến khổ in. Đây là thông số quyết định kích thước tem nhãn mà máy có thể đáp ứng.

Khổ in (Print Width)

Khổ in là chiều rộng tối đa của tem nhãn mà máy in mã vạch có thể in được. 

Thông số này được đo bằng đơn vị inch hoặc mm. 

Việc lựa chọn khổ in phù hợp rất quan trọng trong máy in mã vạch vì:

  • Ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng in ấn và tính thẩm mỹ: Nếu khổ in quá nhỏ so với kích thước thiết kế tem cần in, thông tin in ra có thể bị cắt, khiến cho tem nhãn khó đọc và mất đi tính thẩm mỹ. Ngược lại, với khổ in quá lớn mà không tận dụng hết sẽ rất lãng phí.
  • Chi phí đầu tư: Máy in mã vạch có khổ in lớn thường có giá thành cao hơn. Do đó, việc lựa chọn khổ in phù hợp sẽ giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu.

Các khổ in nổi bật của máy in mã vạch bạn cần biết, đó là:

  • Khổ in 4 inch (khổ tiêu chuẩn): Kích thước tương đương là 101.6mm.
  • Khổ in 6 inch: Kích thước tương đương là 152.4mm
  • Khổ in 8 inch: Kích thước lớn lên đến 203.2mm, in được các khổ giấy to như khổ A4.

Ngoài yếu tố về khổ in thì yếu tố về kết nối của máy in mã vạch cũng giữ tầm quan trọng lớn trong việc đảm bảo máy có thể kết nối, tích hợp cùng hệ thống hay không.

Thông số kỹ thuật khổ in
Thông số kỹ thuật khổ in

Kết nối (Connectivity)

Cổng kết nối là một bộ phận quan trọng giúp máy in mã vạch giao tiếp và nhận thông tin in nhanh chóng với máy chủ. Việc hiểu rõ các loại cổng kết nối sẽ hỗ trợ bạn lựa chọn được thiết bị phù hợp và tối ưu hóa hiệu quả quá trình sử dụng. 

Các cổng kết nối phổ biến trên máy in mã vạch gồm: USB, RS232/Serial, Ethernet/LAN, Parallel, Bluetooth, Wifi. 

Dưới đây là thông tin chi tiết hơn về các kết nối này trên máy in mã vạch:      

      USB

USB (Universal Serial Bus) là phương thức kết nối phổ biến nhất cho máy in mã vạch hiện nay. Máy in mã vạch thường có hai loại cổng kết nối USB phổ biến: USB Host và USB Device. Mỗi loại cổng có chức năng và mục đích sử dụng khác nhau:

  • USB Host:

Chức năng: Cung cấp nguồn điện và cho phép máy in kết nối với các thiết bị USB khác, chẳng hạn như ổ nhớ flash, bàn phím, chuột, v.v.

Ưu điểm:

Giúp mở rộng khả năng sử dụng của máy in mã vạch.

Cho phép in mã vạch trực tiếp từ ổ nhớ flash hoặc thiết bị di động.

Tiện lợi cho việc cập nhật firmware, cài đặt phông chữ và logo cho máy in.

Nhược điểm:

Ít phổ biến hơn cổng USB Device.

Không phải tất cả các máy in mã vạch đều có cổng USB Host.

  • USB Device:

Chức năng: Kết nối máy in mã vạch với máy tính để truyền dữ liệu in.

Ưu điểm:

Là loại cổng kết nối phổ biến nhất trên máy in mã vạch.

Dễ dàng cài đặt và sử dụng.

Hỗ trợ nhiều hệ điều hành khác nhau.

Nhược điểm:

Không hỗ trợ kết nối với các thiết bị USB khác.

Hầu như tất cả các dòng máy in mã vạch đang có mặt trên thị trường đều được trang bị kết nối USB Device. Còn USB Host sẽ ít thông dụng hơn và chỉ một vài model máy có sẵn.

Cổng kết nối USB
Cổng kết nối USB

RS-232/Serial

RS-232 (Recommended Standard 232) hay còn gọi là cổng Serial, là một giao diện truyền thông nối tiếp được phát triển bởi Hiệp hội Công nghiệp Điện tử (EIA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông (TIA) vào những năm 1960. Cổng này được sử dụng rộng rãi trong quá khứ, trước khi USB trở nên phổ biến:

  • Truyền dữ liệu nối tiếp theo bit, từng bit một, qua một kênh duy nhất.
  • Cổng RS-232 có 9 chân hoặc 25 chân kết nối, tùy thuộc vào phiên bản.
  • Tốc độ truyền dữ liệu chậm hơn USB (tối đa 115kbps), nhưng có độ ổn định cao và ít bị nhiễu.
  • Thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp hoặc môi trường có nhiễu cao.
  • Kết nối phức tạp hơn USB, cần cáp RS-232 và cài đặt trình điều khiển.
Cổng kết nối RS-232/Serial
Cổng kết nối RS-232/Serial

Ethernet/LAN

Ethernet hay còn gọi là cổng LAN (Local Area Network), là một giao diện mạng cho phép kết nối máy in với các thiết bị trong mạng cục bộ, giúp nhiều người dùng có thể truy cập và sử dụng máy in mã vạch cùng lúc.

  • Truyền dữ liệu theo gói, mỗi gói có kích thước nhất định và chứa thông tin địa chỉ nguồn, địa chỉ đích và dữ liệu.
  • Có tốc độ truyền dữ liệu cao, lên tới 10 Gbps (Gigabits per second) với chuẩn Ethernet Gigabit.
  • Trước khi sử dụng cần được cài đặt cấu hình mạng.
  • Thích hợp cho môi trường làm việc cần chia sẻ máy in cho nhiều người dùng.
  • Khả năng chống nhiễu cao.
Cổng kết nối Ethernet/LAN
Cổng kết nối Ethernet/LAN

Parallel

Parallel hay còn gọi là cổng LPT (Line Printer Port). Đây là giao diện kết nối được sử dụng phổ biến trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Cổng Parallel truyền dữ liệu song song theo byte, cho phép tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn so với các giao diện trước đó như cổng serial. Tuy nhiên, ngày nay cổng Parallel đã dần được thay thế bởi các giao diện mới hơn như USB do kích thước nhỏ gọn, tốc độ truyền dữ liệu cao hơn và khả năng chống nhiễu tốt hơn.

  • Tốc độ truyền dữ liệu tối đa 1Mbps.
  • Kết nối phức tạp, khi sử dụng cần phải cài đặt trình điều khiển.
  • Có 25 chân kết nối, trong đó 8 chân được sử dụng để truyền dữ liệu, 8 chân để nhận dữ liệu, 4 chân điều khiển và 5 chân nguồn.
Cổng kết nối Parallel
Cổng kết nối Parallel

Bluetooth

Bluetooth là một giao diện truyền thông không dây sử dụng sóng vô tuyến để kết nối với các thiết bị di động như smartphone, tablet trong phạm vi ngắn, thường là trong vòng 10 mét. Loại cổng này được sử dụng nhiều trên máy in mã vạch di động.

  • Sử dụng sóng vô tuyến để truyền dữ liệu, loại bỏ nhu cầu sử dụng cáp kết nối.
  • Phạm vi kết nối ngắn, thường trong vòng 10 mét.
  • Tốc độ truyền dữ liệu của Bluetooth chậm hơn so với các giao diện kết nối khác như USB.
  • Tiêu thụ điện năng thấp, giúp kéo dài thời gian sử dụng pin cho thiết bị.
  • Bluetooth sử dụng mã hóa để bảo mật dữ liệu, nhưng vẫn có một số rủi ro bảo mật tiềm ẩn.

      Wifi

Wifi (Wireless Fidelity) hay còn gọi là cổng mạng không dây, là một giao diện truyền thông cho phép kết nối máy in mã vạch với mạng cục bộ (LAN) hoặc mạng Internet thông qua sóng vô tuyến. Giúp người dùng có thể in ấn mã vạch từ bất cứ đâu có kết nối mạng.

  • Wifi có phạm vi kết nối rộng hơn so với Bluetooth, thường là trong vòng 50 mét hoặc hơn, tùy vào môi trường.
  • Tốc độ truyền dữ liệu cao, lên tới 1.3 Gbps (Gigabits per second) với chuẩn Wifi 802.11n và 3.2 Gbps với chuẩn Wifi 802.11ac.
  • Tốc độ truyền dữ liệu của Wifi có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, chẳng hạn như nhiễu từ các thiết bị điện tử khác.
  • Máy in mã vạch có thể được cập nhật phần mềm dễ dàng qua mạng Wifi.
  • Wifi tiêu thụ điện năng thấp hơn so với Bluetooth.
  • Có thể dễ bị tấn công hơn so với các giao diện kết nối khác.

Bên cạnh hiểu thông số của cổng kết nối, người dùng cũng cần phải nắm bắt được ý nghĩa của bộ nhớ để đảm bảo quá trình in ấn được diễn ra liên tục, không gián đoạn.

Bộ nhớ (Memory)

Bộ nhớ là yếu tố quyết định đến khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu của một máy in mã vạch.

Các thông số về bộ nhớ của máy in mã vạch mà bạn thường bắt gặp gồm RAM, DRAM, SDRAM và Flash:

  • RAM (Random Access Memory):

Là bộ nhớ tạm thời lưu trữ dữ liệu đang được sử dụng bởi máy in, chẳng hạn như hình ảnh mã vạch, cài đặt máy in và dữ liệu in.

Khi máy in tắt, dữ liệu trong bộ nhớ RAM sẽ bị xóa.

Dung lượng bộ nhớ RAM phổ biến trên máy in mã vạch thường dao động từ 2MB đến 8MB.

  • DRAM (Dynamic Random Access Memory):

Là loại bộ nhớ RAM phổ biến nhất được sử dụng trong máy tính và thiết bị điện tử. Trong đó có máy in mã vạch.

DRAM cần được làm mới (refresh) định kỳ để giữ cho dữ liệu không bị mất.

DRAM có giá thành rẻ và dung lượng cao.

  • SDRAM (Synchronous Dynamic Random Access Memory):

Là loại DRAM được đồng bộ hóa với xung nhịp của bus hệ thống, giúp cải thiện hiệu suất truy cập dữ liệu.

SDRAM được sử dụng phổ biến trong các dòng máy in mã vạch hiện đại.

SDRAM có giá thành cao hơn DRAM nhưng hiệu suất tốt hơn.

  • Flash Memory:

Bộ nhớ này cho phép lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn, không bị xóa hay mất đi khi tắt máy.

Dung lượng Flash thường sẽ nhỏ hơn RAM, được sử dụng để lưu trữ các thông tin như cấu hình máy in, font chữ, tệp mẫu mã vạch, các dữ liệu người dùng,…

Kích thước bộ nhớ Flash được đo bằng đơn vị “Megabyte” (MB) hoặc “Gigabyte” (GB).

Thông số kỹ thuật tiếp theo mà Thế Giới Mã Vạch muốn đề cập đến cùng bạn là về khả năng xử lý phương tiện của máy.

Xử lý phương tiện (Media Compatibility)

Xử lý phương tiện là thông số kỹ thuật thể hiện khả năng tương thích của máy in mã vạch với các loại decal và mực in khác nhau. Thông số này bao gồm:

  • Loại tem nhãn: Gồm nhãn cuộn liên tục, nhãn đi điểm đen, nhãn đục lỗ hay các loại nhãn đặc biệt khác.
  • Sức chứa cuộn nhãn: Là khả năng chứa cuộn tem nhãn tối đa của máy in mã vạch. Thông số này thường được đo bằng ba tiêu chí, đó là độ dài cuộn (m), đường kính ngoài của cuộn và đường kính lõi cuộn (mm). Thông thường, máy in để bàn chứa được cuộn nhãn dài 50m và máy in công nghiệp chứa được cuộn nhãn 100m hoặc 150m.
  • Mực in mã vạch: Xác định loại mực in tương thích với máy in mã vạch. Các loại mực in phổ biến bao gồm: mực in Wax, mực in Wax Resin và mực in Resin.

Như vậy, chúng ta đã cùng đi qua phần thông tin về các thông số kỹ thuật quan trọng nhất trên máy in mã vạch gồm công nghệ in, độ phân giải, tốc độ in, khổ in, kết nối, bộ nhớ và khả năng xử lý phương tiện.

Còn sau đây là các thông số kỹ thuật mở rộng, nâng cao mà bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về máy. 

Thông số mở rộng, nâng cao:

Ngoài những thông số kỹ thuật cơ bản nêu trên, ở máy in mã vạch còn có một số thông số kỹ thuật mở rộng, nâng cao khác giúp đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dùng. Đó là:

– Ngôn ngữ lập trình và giao diện: 

  • Một số ngôn ngữ lập trình phổ biến được trang bị cho máy in mã vạch là ZPL, EPL, ESC/POS, IML,…
  • Các giao diện kết nối để lựa chọn: USB, RS-232, Ethernet/LAN, Bluetooth, Wifi. 

– Hệ điều hành tương thích: Bao gồm: Windows (các phiên bản khác nhau); Mac OS; Linux; Android; iOS.

– Kích thước và trọng lượng: Tùy vào dòng máy in mã vạch mà có kích thước và trọng lượng khác nhau.

  • Máy in mã vạch để bàn: Nhỏ gọn, tiết kiệm không gian bố trí.
  • Máy in mã vạch công nghiệp: Kích thước lớn, trọng lượng nặng hơn dòng máy để bàn.
  • Máy in mã vạch di động: Kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ. Dễ dàng mang theo bên mình khi di chuyển.

– Phụ kiện tùy chọn mở rộng tính năng như: Dao cắt, trục cuốn nhãn tự động, bộ lột nhãn, trục gác giấy ngoài. Cụ thể:

  • Dao cắt: Giúp cắt rời tem nhãn sau khi in.
  • Trục cuốn nhãn tự động: Hỗ trợ cuốn tem thành cuộn một cách tự động sau khi in.
  • Bộ lột nhãn: Tem in ra sẽ tự động được tách ra khỏi lớp lót.
  • Trục gác giấy ngoài: Hỗ trợ khả năng sử dụng các cuộn tem có kích thước cuộn lớn, không thể lắp đặt được vào bên trong máy.
Phụ kiện tùy chọn mở rộng tính năng
Phụ kiện tùy chọn mở rộng tính năng

Như trên là tất cả những nội dung về thông số kỹ thuật máy in mã vạch mà bạn cần quan tâm. Ngoài ra, để chọn lựa máy in mã vạch phù hợp dễ dàng hơn, bạn nên tìm hiểu thêm thông tin về phân loại máy in mã vạch cũng như những ứng dụng phổ biến của thiết bị này.

Với những thắc mắc về thông số kỹ thuật hoặc cần tư vấn cụ thể hơn về máy in mã vạch, bạn có thể liên hệ cùng Thế Giới Mã Vạch để đội ngũ tư vấn viên giàu kinh nghiệm của chúng tôi kịp thời hỗ trợ bạn nhanh chóng nhất.

Ngoài ra, để khám phá về các sản phẩm máy in mã vạch cụ thể, bạn có thể bấm vào nút dưới đây:

Máy in tem barcode

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *