Hiện nay có rất nhiều ứng dụng RFID trên thực tế. Ví dụ một nhà máy sản xuất khi ứng dụng công nghệ RFID đúng đắn thì sẽ đem lại những lợi ích to lớn nhờ nâng cao hiệu quả hoạt động của nó. Các chuyên gia đều cho rằng không bao lâu nữa công nghệ RFID sẽ thay thế công nghệ mã vạch, vốn là công nghệ nhận dạng tự động phổ biến nhất hiện nay.
Mặc dù công nghệ RFID đang dẫn đầu trong lĩnh vực nhận dạng tự động, nhưng bạn vẫn cần xem xét công nghệ này có phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp bạn hay không, giải quyết được các vấn đề bạn đang vướng hay không. Tìm hiểu và đánh giá tác động của một công nghệ mới trước khi áp dụng nó là việc rất quan trọng cần phải làm trước khi tiến hành việc đầu tư.
Công nghệ RFID có hiệu quả hơn hẳn công nghệ mã vạch đã được chứng minh qua nhiều ứng dụng thực tế. Lợi ích và khả năng thu hồi vốn đầu tư (ROI) cao của RFID cũng đã được nhiều tài liệu trình bày. Trong lĩnh vực bán lẻ, các đại siêu thị Walmart và Target (Mỹ) đã rất thành công trong việc áp dụng RFID. Tại các nước phát triển công nghệ RFID được quân đội, các bệnh viện, nhà máy, công ty logistics, khu vui chơi, siêu thị và cửa hàng, hàng không, … áp dụng đã chứng minh nó cũng rất phù hợp với rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bài viết này sẽ giúp bạn đánh giá xem công nghệ RFID có phù hợp với doanh nghiệp của bạn hay không. Nó cũng giúp bạn tránh bị cuốn theo một công nghệ thời thượng mà không lường hết những khó khăn sẽ gặp phải khi triển khai ứng dụng công nghệ RFID. Chúng tôi sẽ trả lời 20 câu hỏi tối quan trọng mà bạn cần phải tự hỏi mình trước khi xem xét áp dụng RFID.
Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ có được những hiểu biết sâu hơn về lợi ích và tác động do công nghệ RFID mang lại cho doanh nghiệp mình cũng như những khó khăn bạn có thể gặp phải trong quá trình triển khai áp dụng. Chúng tôi hy vọng những thông tin ở đây sẽ giúp bạn có những lựa chọn công nghệ sáng suốt hay giúp quá trình triển khai áp dụng RFID được diễn ra một cách trơn tru, để từ đó bạn nhận được những thành quả to lớn do công nghệ này mang lại.
Câu hỏi 1: Vấn đề gì bạn cần giải quyết khi ứng dụng RFID là gì?
Từ năm 2005 về trước, RFID được sử dụng chủ yếu cho các việc quản lý tài sản. 15 năm sau, chi phí của một thẻ RFID đã trở nên rẻ hơn rất nhiều, do đó số ứng dụng có thể áp dụng RFID ngày càng nhiều hơn do rào cản chi phí đã không còn cao như xưa.
Tuy vậy không phải vấn đề nào công nghệ RFID cũng có thể xử lý tốt hơn các công nghệ nhận dạng tự động khác. Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu còn có phát sinh chi phí vận hành khi áp dụng một công nghệ mới vào. Bạn cần cân nhắc tất cả các yếu tố này để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư được khi áp dụng RFID.
RFID có giá trị nhất khi được dùng để:
Giảm chi phí thuê lao động cao.
Giảm chi phí cao do việc sai sót dữ liệu khi nhận dạng và xử lý hàng hóa.
Giảm thời gian sản xuất hay giảm nhân lực
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là mục tiêu hàng đầu.
Cần lấy nhiều dữ liệu hơn so với giải pháp mã vạch.
Câu hỏi 2: Mất bao lâu để triển khai xong dự án RFID?
Tùy thuộc vào quy mô của việc gắn thẻ RFID lên hàng hóa, chúng ta có thể ước tính được thời gian triển khai dự án. Nếu chỉ cần gắn thẻ RFID lên các hàng hóa có giá trị cao trong một cửa hàng, chỉ cần vài ngày là xong. Nhưng nếu bạn muốn áp dụng hệ thống quản lý hàng tồn kho bằng RFID thì việc này sẽ chiếm rất nhiều thời gian và chi phí do một nhà kho có thể có hàng vạn sản phẩm và vật tư.
Vì vậy, tùy thuộc vào đặc thù và quy mô của doanh nghiệp mà bạn tiến hành nghiên cứu, khảo sát và xây dựng thành kế hoạch triển khai phù hợp.
Ví dụ tham khảo:
Đại siêu thị Target đã áp dụng chiến lược “chậm mà chắc” khi triển khai áp dụng RFID. Ban đầu họ chỉ áp dụng cho 100 nhà cung cấp tại một trung tâm phân phối của mình thôi. Mặc dù có thể triển khai áp dụng cho tất cả đến 1,600 siêu thị trong một năm, họ vẫn chấp nhận kéo dài thời gian triển khai, thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước, sửa các lỗi phát sinh để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru trước khi mở rộng ra toàn bộ các siêu thị của mình.
Câu hỏi 3: Những ai có liên quan trong quá trình ra quyết định triển khai RFID và vai trò của họ?
Ý kiến của các phòng ban có liên quan đến quá trình vận hành của hệ thống cần được tính đến khi áp dụng một công nghệ mới. Nhiều khi vấn đề sẽ nảy sinh vào giai đoạn cuối của việc triển khai RFID nếu có phòng ban nào đó chỉ bắt đầu tham gia vào ở giai đoạn này. Ví dụ khi một bệnh viện xem xét áp dụng công nghệ RFID, chúng ta không chỉ tham vấn đến các nhân viên y tế có liên quan mà cần phải xem xét phản ứng của bệnh nhân đối với công nghệ này. Nếu các quan ngại của bệnh nhân được chú ý giải quyết ngay từ đầu thì việc triển khai sẽ không bị trở ngại, ví dụ như vấn đề viện phí gia tăng, đeo vòng RFID gây phiền phức, …
Câu 4: Có bao nhiều đối tượng sử dụng hệ thống RFID?
Nếu bạn muốn dùng RFID cho hệ thống chấm công, số lượng đối tượng sẽ là số nhân viên của bạn. Nếu bạn muốn áp dụng cho toàn bộ kho hàng của mình, số lượng đối tượng sẽ là toàn bộ số lượng hàng hóa của bạn trong kho, có thể cộng thêm số lượng vị trí xếp hàng, số lượng xe nâng, số lượng nhân viên kho, …
Câu 5: Nhà kho của bạn đã được phủ WiFi hết chưa?
Nếu câu trả lời của bạn là có thì bạn đã có một khởi đầu tốt. Công nghệ WiFi kết hợp với RFID (cũng là công nghệ vô tuyến) sẽ giúp việc quản lý kho trở nên dễ dàng hơn, có tinh di động cao hơn. Thẻ RFID phát tín hiệu vô tuyến có thông tin mã sản phẩm, đã được lưu sẵn trong chip RFID, cùng với vị trí chính xác của sản phẩm mà nó được gắn lên và thông qua hệ thống WiFi để đưa về máy chủ lưu dữ liệu…
Ngược lại, nếu bạn trả lời là không và bạn muốn triển khai RFID trong kho của mình thì bạn nên trang bị thêm một hệ thống WiFi.
>>> Xem thêm:
Câu hỏi 6: Ai là người sử dụng hệ thống RFID này? (Nhà quản lý, kỹ sư hay công nhân phổ thông)
Tùy vào bản chất của doanh nghiệp và cách sử dụng thẻ RFID trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà ta có các ứng dụng RFID khác nhau. Nếu nhà quản lý là người khai thác hệ thống RFID, sẽ có nhiều ứng dụng khác nhau cho họ. Ví dụ họ có thể dùng RFID để theo dõi hàng hóa trong một nhà kho lớn. Họ cũng có thể dùng RFID để giám sát thời gian vào làm và đi về của nhân viên tại một địa điểm nào đó. Hay người quản lý có được thông tin cập nhật về vị trí của một lô hàng hay một xe chở hàng nào đó.
Nếu người sử dụng hệ thống RFID là công nhân phổ thông, họ thường được nhà quản lý giao việc sử dụng thiết bị RFID tại một công đoạn nào đó. Ví dụ như dùng đầu đọc RFID cầm tay để kiểm tra các lô hàng đến hay đi để đảm bảo đúng chủng loại hàng hóa và số lượng, để thực hiện kiểm kê tài sản hay hàng hóa hay trong cửa hàng, để nhận dạng bán thành phẩm tại một công đoạn sản xuất, để phát hiện hàng giả hay hàng nhái, để chống mất cắp hàng hóa, truy xuất nguồn gốc hàng hóa,…
Câu hỏi 7: Nên sử dụng loại thẻ RFID nào?
Một trong những quyết định đầu tiên được đưa ra khi thiết kế hệ thống RFID là liệu có nên sử dụng thẻ RFID tích cực (có pin) hoặc thụ động (không có pin) hay không ? Bởi vì các thẻ tích cực (active tag) có những lợi thế nhất định so với các thẻ thụ động (passive tag). Tín hiệu của chúng mạnh hơn, đi xa hơn và chúng tự phát ra tín hiệu mà không cần được kích hoạt bởi một đầu đọc RFID, do đó nó có thể phát thông tin lưu ở chip RFID của nó liên tục. Ngoài ra, thẻ tích cực khắc phục tốt nhiễu điện từ trường của môi trường, do đó sử dụng tốt trong môi trường có nhiều kim loại hay gắn được cho vật kim loại hay chất lỏng.
Trong những năm gần đây, thẻ RFID tích cực được phát triển thêm các chức năng mới, ví dụ có thêm cảm biến ghi nhận và phát đi dữ liệu đo như thời gian, nhiệt độ hoặc tọa độ GPS ngoài thông tin ID đơn giản. Nhược điểm lớn nhất của thẻ RFID tích cực là chúng có giá thành cao, kích thước khá lớn và phải thay pin hay cần sạc pin sau một thời gian sử dụng.
Thẻ RFID thụ động cũng có các tính năng vượt trội hơn so với thẻ tích cực. Đáng kể nhất là chi phí đầu tư cho mỗi thẻ thụ động thấp hơn nhiều so với thẻ tích cực. Thẻ thụ động còn có tuổi thọ sử dụng dài hơn, trong khi pin của thẻ tích cực thường phải được thay thế trong vòng hai đến ba năm cộng thêm chi phí thay pin và nhân công để làm việc này.
Một sự khác biệt quan trọng khác giữa các thẻ thụ động và tích cực là kích thước thẻ. Thẻ thụ động thường nhỏ hơn thẻ tích cực nên dễ sử dụng hơn với hàng hóa có diện tích bề mặt nhỏ. Hơn nữa thẻ thụ động ngày nay đã có loại có thể gắn trên vật thể kim loại và chất lỏng, có bộ nhớ chip lớn hơn để lưu trữ được nhiều thông tin hơn.
Vì vậy, do tổng chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn nhiều so với thẻ tích cực nên thẻ RFID thụ động là loại thẻ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Câu hỏi 8: Môi trường sử dụng hệ thống RFID?
Đây là một câu hỏi quan trọng khác mà bạn phải tự hỏi mình trước khi ứng dụng RFID. Đặc thù doanh nghiệp và cách thức áp dụng công nghệ RFID sẽ cho biết có nên sử dụng công nghệ RFID hay không.
Nếu môi trường áp dụng RFID là nhà kho và bạn muốn dùng để theo dõi hàng tồn kho, cần khảo sát nhà kho và thu thập các thông số kỹ thuật của nó để lập kế hoạch đầu tư và triển khai chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, nếu môi trường của bạn là cửa hàng bán lẻ và bạn muốn để mắt đến những món đồ đắt tiền của bạn như tranh nghệ thuật, máy tính xách tay, smartphone, … thì việc đầu tư và triển khai sẽ khá đơn giản và có thể thực hiện chỉ trong vài ngày.
Trong môi trường có quá nhiều máy móc, hàng hóa bằng kim loại nằm rất gần nhau thì không phù hợp lắm cho công nghệ RFID, ví dụ kho sắt thép. Nói chung cần khảo sát và triển khai thử nghiệm trước ở các môi trường phức tạp.
Câu hỏi 9: Khoảng cách đọc và độ chính xác bạn cần?
Một khó khăn khi chọn lựa thẻ loại RFID là phải thỏa hiệp giữa khoảng cách đọc (là khoảng cách xa nhất giữa thẻ và đầu đọc RFID đảm bảo việc đọc thẻ là tốt) và kích thước thẻ thụ động. Thẻ càng lớn thì khoảng cách đọc càng xa và ngược lại. Khoảng cách đọc phù hợp thường là khoảng cách cho phép giữa hàng hóa cần gắn thẻ với vị trí gắn đầu đọc RFID khi hệ thống sản xuất kinh doanh vận hành.
Ví dụ, để giám sát các xe tải chở hàng bằng RFID, thì cần các thẻ RFID phải có khoảng cách đọc xa 6 – 10m trở lên. Tuy nhiên, trong một cửa hàng bán lẻ hoặc bất kỳ môi trường nào có nhiều hàng hóa nằm sát nhau, khoảng cách đọc lớn có thể gây nhiễu tín hiệu, gây khó khăn cho việc kiểm kê sản phẩm chỉ trên một lối đi hoặc một khu vực nhỏ. Khi sản phẩm nằm gần nhau, khoảng cách đọc của thẻ RFID cần gần hơn để hệ thống hoạt động tốt nhất, do đó khoảng cách đọc từ 1 – 3 m có khi đã phù hợp.
Sau khi chọn được khoảng cách đọc và và kích thước thẻ, lựa chọn quan trọng tiếp theo là môi trường điện từ mà sẽ lắp đặt hệ thống RFID. Thông số điện từ của vật liệu sản phẩm có tác động đến khả năng làm việc của tín hiệu RFID. Ví dụ vật liệu kim loại hay chất lỏng sẽ làm giảm khả năng truyền sóng RFID đáng kể, khi đó thẻ RFID thụ động thông thường không sử dụng được mà phải cần tới loại thẻ chuyên dùng cho các vật liệu này.
Tóm lại, trong kế hoạch triển khai, điều quan trọng nhất là phải chọn được các loại thẻ hoạt động tốt với tất cả hàng hóa hay tài sản bạn muốn gắn thẻ RFID vào. May mắn là hiện nay là thẻ RFID rất đa dạng về mặt kích thước và vật liệu chế tạo, cách gắn lên sản phẩm, có thể phù hợp với nhiều môi trường khác nhau, ví dụ như môi trường kho lạnh, môi trường có nhiệt độ cao hay ẩm ướt, có hóa chất ăn mòn, …
Câu hỏi 10: Ai sẽ quản lý hệ thống RFID?
Trước khi triển khai công nghệ RFID trong doanh nghiệp, bạn sẽ cần phải chỉ định phòng ban hay nhân sự được bạn tin tưởng để giao phó việc quản lý hệ thống RFID. Vì thẻ RFID chủ yếu được sử dụng để theo dõi các sản phẩm hay tài sản có giá trị lớn nên người quản lý cần phải là một người đáng tin cậy.
Nếu RFID được sử dụng tại một doanh nghiệp nhỏ, người chủ doanh nghiệp có thể tự mình đảm bảo mọi thứ làm việc tốt. Tuy nhiên, nếu bạn điều hành một công ty có quy mô lớn thì cần phải phòng ban và nhân sự chuyên trách giám sát việc gắn thẻ lên sản phẩm cũng như việc sản phẩm chuyển giao giữa các công đoạn hay phòng ban được thực hiện suôn sẻ.
Như vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về 10 thông tin hữu ích cần biết về giải pháp RFID. Tuy nhiên, chỉ với 10 thông tin này thôi là chưa đủ, đừng quên chờ đón Phần II của “20 CÂU HỎI CẦN BIẾT TRƯỚC KHI TRIỂN KHAI GIẢI PHÁP RFID“ bạn nhé!
Mọi thông tin chi tiết trong việc triển khai giải pháp RFID cho doanh nghiệp, hãy liên hệ ngay cùng chúng tôi.