QUY ĐỊNH VỀ TEM NHÃN PHỤ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

Quy định về tem nhãn phụ hàng hóa nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng nhất định cần phải nắm để có thể thực hiện đúng.
Trong nội dung chia sẻ sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những quy định về tem nhãn phụ này.

Nhập khẩu hàng hóa là gì?

Nhập khẩu hàng hóa tưởng chừng là cụm từ mà ai ai trong tất cả chúng ta đều cũng đã từng nghe qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ, đầy đủ và chính xác nhất và nhập khẩu hàng hóa là gì?

Theo điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội: “Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”

Quy định về tem nhãn hàng hóa

Theo điều 32 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 có đề cập:

1. Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

2. Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

3. Các nội dung cần ghi trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Văn bản pháp luật về quy định tem nhãn hàng hóa nhập khẩu

Để nắm rõ và hiểu chi tiết về nhãn hàng hóa, bạn đọc đừng quên tìm hiểu về những văn bản pháp luật quy định nhãn hàng hóa sau đây:

– Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa.

– Nghị định Số: 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính Phủ về nhãn hàng hóa.

– Nghị định Số: 128/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Các khái niệm quan trọng cần nắm

Sau đây là một số từ ngữ quan trọng được dùng trong các văn bản Quy định về tem nhãn hàng hóa mà bạn cần nắm.

Những từ ngữ này được diễn giải tại “Điều 3. Giải thích từ ngữ” Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP như sau:

– Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

– Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;

– Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

– Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;

Đây là 4 từ ngữ quan trọng được đề cập đến đầu tiên. Trong Điều 3 của Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP tổng cộng có 16 mục giải thích từ ngữ mà bạn có thể đọc chi tiết nghị định để nắm cụ thể hơn.

Một điểm bạn nên lưu ý đó là phải phân biệt giữa “nhãn hàng hóa” và “nhãn hiệu hàng hóa”. Như trên là diễn giải về nhãn hàng hóa. Còn khái niệm về nhãn hiệu hàng hóa được định nghĩa cụ thể trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau: “Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu riêng được dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.”

Bạn có thể hiểu “nhãn hàng hóa” giúp thể hiện thông tin về sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng. Còn “nhãn hiệu hàng hóa” sẽ giúp phân biệt các sản phẩm, hàng hóa cùng loại đến từ các nhà sản xuất khác nhau.

>>> Có thể bạn quan tâm: Tem phụ là gì? Vai trò, tác dụng trong kinh doanh

Quy định dán tem hàng nhập khẩu

Quy định ghi nhãn phụ được thể hiện chi tiết tại Điều 8 Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP:

  1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định. (Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.)

  2. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

  3. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

  4. Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:

a) Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;

b) Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Về Quy định trách nhiệm quy định ghi nhãn phụ hàng hóa, bạn hãy xem chi tiết tại Điều 9 Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định Số: 111/2021/NĐ-CP.

Quy định thông tin bắt buộc trên tem nhãn phụ

Một số điều khoản liên quan đến quy định thông tin cần có trên tem nhãn phụ mà bạn cần nắm như sau:

– Khoản 1 Điều 9 Nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP: “Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.”

– Khoản 4 Điều 9 Nghị định Số: 111/2021/NĐ-CP: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.”

Quy định về nội dung thông tin bắt buộc sẽ được trình bày ngắn gọn dựa trên “Điều 10. Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa” thuộc Nghị định Số: 111/2021/NĐ-CP như sau:

Theo Khoản 1: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa.

d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Theo Khoản 2: Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Quy định xử phạt vi phạm thiếu, không có tem nhãn phụ

Quy định xử phạt vi phạm thiếu, không có tem nhãn phụ được thể hiện tại “Điều 22: Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu” theo Nghị định Số: 128/2020/NĐ-CP như sau:

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa mà cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được.

  2. Nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) thì bị xử phạt như sau:

a. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

b. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

c. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

d. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

f. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

g. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Như trên là những thông tin Quy định về tem nhãn phụ hàng hóa nhập khẩu mà bạn cần nắm để có thể thực hiện đúng và trang bị tem nhãn phụ chuẩn cho sản phẩm của mình.

Tại Thế Giới Mã Vạch hiện đang cung cấp một loại các sản phẩm máy in tem phụ và giấy in tem phụ sẽ giúp bạn rất nhiều trong công tác in ấn, sử dụng tem phụ một cách chủ động, linh hoạt hơn cho các sản phẩm mà bạn kinh doanh.

Để được tư vấn chi tiết về giấy in tem phụ và máy in tem phụ sản phẩm. Đừng ngần ngại gì mà hãy liên hệ ngay cùng chúng tôi để được tư vấn cụ thể và nhận báo giá ưu đãi nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *